Chiếm đoạt mã nguồn website, lĩnh 2 năm tù

Mã nguồn website

Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Công Sơn, 26 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới, tạm trú ở nhà C1, Thanh Xuân Bắc, TP Hà Nội để điều tra hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Cùng bị điều tra hành vi này là vợ và em vợ của Sơn là Nguyễn Thị Thu Trang, 29 tuổi và Nguyễn Văn Tuấn, cùng trú ở Tải Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Năm 2008, đang còn học ở trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp 2 tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù chưa được nhận bằng tốt nghiệp vì nợ môn nhưng Sơn vẫn được ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hãy trực tuyến – là chủ quản của website: www.tienganh123 .com tuyển dụng. Sở dĩ ông Bình tuyển dụng Sơn bởi với kinh nghiệm của người từng làm Tiến sĩ ở Pháp, làm việc cho nhiều công ty danh tiếng ở nước ngoài, ông Bình phát hiện, Sơn là người rất thông minh, sáng tạo, giỏi về công nghệ thông tin. Chính vì vậy, ngày 15/12/2008, Sơn được ông Bình ký hợp đồng lao động, với công việc chính là cùng với ông lập trình website theo dự án của Công ty TNHH Hãy trực tuyến.

Trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH Hãy trực tuyến, từ tháng 12/2008, Sơn cùng ông Bình (Giám đốc công ty) bắt đầu phát triển phần mềm SMBPro – là phần mềm quản trị nội dung cho trang web học tiếng Anh trực tuyến. Trong đó, phần thiết kế chương trình và các thuật toán do ông Bình xây dựng, Sơn trực tiếp viết phần mềm theo ý tưởng của ông Bình. Cụ thể là viết mã nguồn (code) của trang web: tienganh123; viết mã thẻ học tiếng Anh trực tuyến để bán cho khách hàng. Đến tháng 10/2009, chương trình phần mềm bước đầu hoàn thiện và đưa vào sử dụng thử nghiệm và bắt đầu bán các thẻ học tiếng Anh trực tuyến trên mạng. Đến tháng 9/2011, khi  chương trình hoàn thành, công ty tổ chức bán đại trà trên mạng Internet các thẻ học tiếng Anh trực tuyến, được nhiều người yêu thích. Thấy công việc làm ăn của công ty thuận lợi, Sơn nảy sinh ý định chiếm đoạt bộ mã nguồn để “làm ăn” riêng. Theo đúng tính toán của Sơn, tháng 1/2012, anh ta nghỉ việc tại Công ty TNHH Hãy trực tuyến đồng thời lấy cắp luôn bộ mã nguồn (code) của trang web: tienganh123, và bản mềm của mã thẻ học tiếng Anh  (hàng nghìn mã) với giá trị khoảng hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ số dữ liệu này được lưu bằng 6 tệp dữ liệu nén trong hòm thư điện tử sonmobai@gmail.com của Sơn. Sau khi chiếm đoạt được bộ mã nguồn của trang web: tienganh123, Sơn đã chỉnh sửa lại và phát triển thành bộ mã nguồn mới để thiết kế trang web: hocnhe.vn.

Có bộ mã nguồn và bản mềm các thẻ học tiếng Anh, ngày 13/5/2012, Sơn đứng ra đăng ký thành lập Công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới, đặt trụ sở tại phường Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội). Ngành nghề kinh doanh cũng là đào tạo tiếng Anh trực tuyến trên mạng Internet qua hình thức bán thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến (giống lĩnh vực kinh doanh của Công ty TNHH Hãy trực tuyến). Sơn cũng tự viết ra các mã thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến cho trang web: hocnhe.vn của mình, đã bán được khoảng 96 mã. Ngoài ra, Sơn còn giao cho Nguyễn Văn Tuấn và vợ là Nguyễn Thị Thu Trang rao bán trên mạng số mã thẻ học tiếng Anh đã trộm cắp được của Công ty TNHH Hãy trực tuyến. Khách mua số thẻ này vẫn truy cập vào trang web: tienganh123.com của Công ty TNHH Hãy trực tuyến để học tiếng Anh. Từ giữa tháng 4/2012 đến ngày 25/8/2012, Sơn và đồng bọn đã bán cho khách khoảng 300 thẻ học tiếng Anh của Công ty TNHH Hãy trực tuyến với giá 150 ngàn đồng/thẻ, thấp hơn 50% so với giá trị thực.

Không chỉ đánh cắp dữ liệu của công ty cũ để bán lấy tiền tiêu xài, Sơn còn nghĩ ra một “chiêu” khá độc, đó là đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng kí bản quyền sau đó gửi thư cho ông Bình “đe” rằng phần mềm quản trị trang web học tiếng Anh trực tuyến đã được đăng  kí sở hữu trí tuệ, đồng thời yêu cầu ông Bình dừng việc bán thẻ học tiếng Anh qua mạng. Việc làm trên của Sơn khiến ông Bình hết sức lo lắng và bất bình bởi phần mềm do công ty tự viết ra, không đi sao chép của ai. Thêm vào đó, trong số các thẻ học do Công ty Hãy trực tuyến bán ra, có rất nhiều thẻ khi khách hàng đăng ký mới phát hiện đã bị sử dụng trước đó. Chính vì vậy, ông Bình đã báo cáo vụ việc với cơ quan Công an.

Quá trình thu thập chứng cứ, nghiên cứu tài liệu, CBCS Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phát hiện, Sơn không chỉ rao bán thẻ cào học tiếng Anh mà còn bán luôn bộ mã nguồn của website hocnhe.vn (phát triển từ mã nguồn website tienganh123.com). Sở dĩ như vậy, vì việc bán thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến cho trang web: hocnhe.vn của Công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới không đăng ký mạng xã hội trực tuyến nên ngày 23/8/2012, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới số tiền 20 triệu đồng, chế tài bổ sung: đóng website: hocnhe.vn kể từ ngày 24/8/2012.

Phát hiện Sơn, Tuấn, Trang đang giao dịch bán bộ mã nguồn nêu trên cho một khách hàng với giá 150 triệu đồng, nhận được đợt 1 số tiền 50 triệu đồng tại một quán café ở phố Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, nên tổ công tác của Đội PC14 phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các đối tượng. Quá trình điều tra đã tạm giữ 3 máy laptop có chức năng thông tin mã nguồn của website: hocnhe.vn, thông tin mã thẻ của Công ty TNHH Hãy trực tuyến; 4 điện thoại di động có chứa thông tin liên quan đến việc mua bán mã thẻ cào, 7 thẻ ATM.

Với việc bị khép vào tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Sơn bị tuyên phạt 2 năm tù.